Đặt tên cho ảnh nghệ thuật dễ hay khó?

Một tác phẩm dù ở lĩnh vực Nghệ thuật hay Văn học cũng vậy. “Tên”, ngoài mục đích nói trên, nó còn là biểu hiện “nhấn” thêm cho tác phẩm mà tác giả muốn gửi gắm ý tưởng trong đó, giúp người xem hiểu được cái mà người nghệ sĩ muốn nói tới.

Đôi khi đọc tên, người ta đánh giá được trình độ của người sáng ra tác phẩm đó. Gần đây, xem nhiều ảnh nghệ thuật trong các triển lãm, tôi thấy nhiều tác giả đặt tên ảnh nghệ thuật của mình, có những vấn đề cần trao đổi.Trong đó, vấn đề nổi bật nhất là: Tên ảnh thường cao hơn những gì ngôn ngữ ảnh đem lại. Đôi khi muốn áp đặt người xem phải hiểu những cái mà tác giả muốn nói chứ bản thân ngôn ngữ của tác phẩm không nói được gì. Tên chưa xúc tích, lắng đọng còn dài dòng, mang tính kể lể. Khác với tên một tác phẩm Văn học, tên ảnh Nghệ thuật thường rất ngắn gọn vì ảnh là ngôn ngữ của thị giác. Nên đã có tác giả mở triển lãm ảnh mà không đặt tên cho tác phẩm cũng chẳng hề gì, đó là cá tính nhưng không đặt thì thôi mà đã đặt thì sao cho tên ảnh phải có tác dụng cho chính tác phẩm và người xem. Có những tên ảnh chỉ cần một từ là đủ hay gặp như: Mưa, gió, nắng, ngã, nhìn, đợi, khát… Càng ngắn thì càng “đọng”.Chính vì vậy đặt tên cho ảnh là cả một trình độ về kiến thức Văn học. Có những tên ảnh mà khi đọc lên, người xem càng thích tác phẩm đó hơn cho dù ngôn ngữ của ảnh đã nói rõ. Tên ảnh có khi sinh ra trước “cú bấm máy”. Thường là những ảnh mà tác giả nghĩ ra tên rồi mới chụp. Ta hay gặp ở những ảnh dàn dựng, ý đồ của tác giả mà nhiều người quen gọi là ảnh sáng tác như “Tùng, Cúc Trúc, Xuân” ( Tiến Thàh ) và chắc cũng nhiều tác giả ở tình trạng này. Nhận định về việc này chỉ có chính tác giả mới nắm được. Có mấy dạng đặt tên như sau: Đặt tên theo địa danh, bởi nó là Danh từ nên địa danh ở đây phải đúng và lưu ý địa danh đó phải nổi tiếng, hay địa danh đó hàm ý biểu hiện những tứ văn hay. Nổi tiếng không có nghĩa là phải hùng vĩ, to, cao mà nổi tiếng gắn liền với tình cảm Văn hoá con người ở đó, như nón làng Chuông, Người mẹ Kinh Bắc…. Đó là những sản phẩm, con người mang tính chất điển hình của địa danh ấy, cụ thể như: Chiều Tam Đảo, Huyền ảo Hạ Long, Bình yên bản Áng, Nắng vàng thôn Trang… Đặt tên nhân vật cụ thể cũng vậy. Nhân vật đó phải thật điển hình về công việc, hành động, trang phục, Văn hoá truyền thống một dân tộc; Nếu là danh nhân thì nhất thiết phải thật tiêu biểu vị thế xã hội … Đôi khi, người ta mượn một cái tên nhân vật điển hình trong một tác phẩm Văn học nghệ thuật nào đó áp đặt cho tác phẩm của mình mà người xem có thể đồng cảm được. Đặt tên có cái “tôi” trong tác phẩm như; Mẹ tôi, Quê tôi, Làng tôi…Tác giả muốn đặt mình ở một vị thế trong tác phẩm để nhằm đối thoại với người xem. Có khi lại nhấn theo ngôn ngữ của ảnh nhằm bổ xung thêm cho tứ ảnh. Cách đặt tên này, các Nghệ sĩ phương Tây rất hay dùng vì nó mang chút hài hước, ngộ nghĩnh, rõ ràng,… người xem biết rồi nhưng tác giả vẫn muốn dùng ngôn ngữ ảnh làm tên cho tác phẩm của mình như tác phẩm “Quý bà trong trang phục đỏ” ( Aothor), “Thành phố trắng” (Biileen Rees)… Có những lúc tác giả mượn vai nhân vật trong ảnh để đối thoại với người xem. Bên cạnh đó, còn rất nhiều dạng đặt tên cho tác phẩm như dùng những từ láy, tính từ, danh từ, động từ, mỹ từ… Có lúc, tác giả đóng vai trong ảnh có khi lại đóng vai người xem; có khi ngôn ngữ ảnh nói rồi nhưng mình vẫn nhấn thêm để ngôn ngữ ảnh được “ thăng hoa”. Đặt tên ảnh nên bám sát cảm xúc lúc bấm máy; không nên cầu kỳ quá mà xa rời nội dung.

Tóm lại, để đặt tên cho ảnh nghệ thuật không khó nếu tác phẩm của mình được chụp bằng cảm xúc, có ý tưởng rõ ràng. Để đặt tên ảnh sao cho “đúng” và “chúng”, tác giả cần linh hoạt, sao cho càng ít từ, mà nhiều nghĩa. Đôi khi bạn cần tham khảo thêm những ý kiến của những người xem để nhận biết cảm xúc của ho, cần đọc nhiều thơ văn, hay ca dao, tục ngữ, để có thêm vốn kiến thức về câu, từ. Tên ảnh tránh để người xem lập luận tên ảnh đóng một vai tro cầu nối giữa người xem với tác giả. Người xem hiểu ảnh nghĩa là đã hiểu ý tưởng tác giả, chúc các bạn thành công.

Tiến Thành – Hải Dương