Nhóm bạn chúng tôi lên kế hoạch từ đầu năm nay, dự định năm nay sẽ đi Côn Đảo xem rùa biển (còn gọi là Vít) đẻ trứng. Thử tưởng tượng xem, những chú vít nặng cả trăm ký từ dưới đấy biển sâu lên bờ đẻ trứng, được chứng kiến quá trình đó, chắn chắn sẽ thú vị biết bao.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì có rất ít tour đi Côn Đảo xem vít đẻ, phần vì chi phí quá cao, phần vì chưa chắc có thể xem được vít đẻ (đâu phải ngày nào vít cũng đẻ!). Mùa sinh sản của vít từ tháng 5 – tháng 9, cao trào là vào tháng 6.
Trong lúc không biết làm thế nào, may thay, qua một người bạn, tôi quen được anh trạm trưởng (anh Hưng) ở Bảy Cạnh (chổ vít đẻ trứng), anh Hưng hứa sắp xếp cho chúng tôi đi xem vít.
25/6/2011 chúng tôi bay ra Côn Đảo, không may hôm đó thời tiết xấu, biển động dữ dội, đang lo chuyến này sẽ về tay không mất. May thay, sáng hôm sau sóng yên biển lặng. Theo lời đề nghị của anh Hưng: buổi sang, chúng tôi đi tham quan Hải Đăng, chiều qua bên kiểm lâm (mua vé tham quan, nhân viên kiểm lâm sẽ hướng dẫn xem vít), tối xem vít tại đó.
“Chỉ mất 45 phút thôi, trên đó cảnh đẹp lắm, các bạn tha hồ chụp hình thỏa thích nhé! ”, anh hướng dẫn viên (bạn anh Hưng) hồ hởi nói sau khi chúng tôi đã yên vị trên tàu. Biển thật trong xanh và êm đềm, xa xa, những hòn đảo to nhỏ còn phủ đầy màu xanh nguyên sơ, chốc chốc, từng đàn cá bé tí té nước nhảy lên như chào mừng chúng tôi.
“Nơi đây là tập hợp rất nhiều hòn đảo lớn nhỏ, trong đó, Côn Đảo là hòn đảo to và đẹp nhất, còn kia là hòn Con Thỏ, vì nhìn từ xa nó giống như con thỏ đang ngồi vậy!” anh hướng dẫn viên huyên thuyên nói.
Không bao lâu, thuyền đã cập bến, chúng tôi phải ngồi thuyền thúng để vào bờ (vì xung quanh có nhiều đá ngầm tàu không cập sát bờ được), mấy cô gái thành thị chúng tôi vốn đã ít ngồi thuyền, nói chi đến thuyền thúng. Sau một hồi loai hoai và bị cái thuyền thúng quay như chong chóng, cuối cùng chúng tôi cũng đã vào bờ. Leo lên Hải Đăng gần 1 tiếng, ai nấy đều ướt sũng mồ hôi, nhưng bù lại chúng tôi được ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ và hung vĩ của Côn Đảo từ trên cao, được chứng kiến những cây gỗ quý được anh em Hải Đăng bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Buổi trưa, chúng tôi được anh em đải 1 chầu thật thịnh soạn, mấy em trai ở đây chỉ bằng tuổi thằng em trai nhà mình, vậy mà nấu ăn ngọn ra phết ấy (có khi còn khéo tay hơn mình nữa hic…)
Khoảng 2 giờ chiều, chúng tôi cảm ơn và chia tay các anh em bên Hải Đăng. Khoảng 15 phút đi thuyền, chúng tôi đã đến Bãi Cát Lớn (bên Kiểm lâm), trong khi chờ nhận phòng, chúng tôi rũ nhau đi dạo biển. Biển nơi đây mang vẻ đẹp thật hoang sơ, không một vết tích của con người, những đường vân cát uốn lượn lấp lánh dưới ánh chiều tà, những phiến đá phủ đầy rêu phong, chúng tôi phát hiện nơi đây có rất nhiều con Hải Sâm (còn sống ấy), tôi chưa từng thấy con Hải Sâm to như thế, lúc nó ở dưới nước, tôi không tài nào kéo nó lên được, người nó cứ trơn tuồng tuột, bám chặt vào các kẻ đá. Con này có cái tật xấu lắm nhé! Lúc bị bắt lên, chúng co cứng lại và “tè” luôn 1 hơi.
Ngoài ra, chúng tôi còn nhặt được rất nhiều vỏ ốc và đá cụi mang hình thù rất lạ mắt, sự bào mòn của thời gian, sóng biền và sỏi cát, đã tạo cho chúng những hình dáng, hoa văn thật đặc biệt, tin chắc không có nhà nghệ thuật nào nghĩ ra được những họa tiết này, thiên nhiên đúng là nhà nghệ thuật vĩ đại.
Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi không tắm trong ngày, vì nước ngọt ở đây rất hiếm, và điều kiện ở đây cũng không thuận tiện lắm (cửa nhà tắm bị hư rồi!).
Cơm tối xong, anh kiểm lâm dẫn chúng tôi đi xem cua Xe Tăng (nghe tên là biết chúng khỏe thế nào rồi), nhưng đường đi thì thật lầy lội (chúng sống trong đầm lầy), chúng tôi vừa đi vừa la oai oái vì nước bẫn đã lẫn vào giầy dép, cuối cùng, anh kiển lâm phải bắt con cua đem ra cho chúng tôi xem.
9 giờ, 11 giờ, rồi 12 giờ, chúng tôi đứng ngồi không yên, cứ chốc chốc lại chạy ra bờ biển để xem vít đã lên chưa, mặt dù anh kiểm lâm đã hứa sẽ gọi chúng tôi nếu thấy vít lên (vào mùa sinh sản, hàng đêm, nhân viên kiểm lâm phải tuần tra dọc bờ biển theo dỏi và cứu hộ vít). Chúng tôi đành lủi thủi về phòng ngủ (vì buồn ngủ quá rồi!) , khi chúng tôi bắt đầu thiêu thiêu ngủ, bổng nghe tiếng gọi của anh kiểm lâm (cũng không ghe rõ là nói gì), nhưng đại khái cũng đoán được rồi, 4 đứa chúng tôi liền bật dậy, chẳng ai nói ai, quơ vội cái áo khoác rồi chạy như bay ra bờ biển, đã được anh kiểm lâm dặn dò từ trước, chúng tôi đi rón rén như những tên trộm. Khi nhìn thấy 1 chú vít (chỉ thấy lờ mờ thôi, vì chúng tôi không được bật đèn pin, ánh đèn sẽ làm chúng sợ chạy mất) đang loai hoai tìm chổ. “Chú vít này có 3 chân thôi, chú lên lần này là lần thứ 3 rồi, hi vọng lần này chú tìm được chổ tốt!” anh kiểm lâm nói.
“Bên kia có 1 con nữa kìa”
Chúng tôi im lặng ngồi “rình” ở gần đó, nghe rõ cả tiếng xới cát của nó, khoảng 30 phút, khi biết chắc chúng đang say đẻ, anh kiểm lâm ra dấu cho chúng tôi đến gần xem và chụp ảnh, nhưng dặn không được nhá đèn vào mắt nó, vì giác mạc của vít rất mỏng, ánh sáng quá mạnh sẽ làm chúng bị mù. Chúng tôi ai nấy đều rất cảnh giác, không dám chụp nhiều hình, cũng không dám rọi đèn vào mặt vít (tới giờ mình vẫn còn tiếc vì chưa nhìn kỹ mặt chúng hic…).
Mỗi lần chúng đẻ hơn trăm trứng, nhưng sau khi được thả về biển, tỷ lệ sống sót rất thấp, chỉ 5/100 thôi. Nhóm kiểm lâm đánh dấu vị trí của trứng khi vít đang đẻ, vì sau khi đẻ xong vít sẽ dùng 2 tay 2 chân lắp ổ trứng lại. Lúc này, nhóm kiểm lâm sẽ đào ổ trứng lên, di dời đến nơi an toàn và lấp lại xuống cát (Sau khi đào lên phải lấp lại xuống cát trong vòng 6 tiếng, nếu không trứng sẽ không nở được). Chúng tôi may mắn được chứng kiến và tận tay làm công việc đó!
Chúng tôi về lại Tp. HCM, mang theo những trãi nghiệm thú vị, và cả nhiều đóm đỏ li ti trên người (không biết bị con gì cắn nữa! hic… )
Tháng 07/2011
Kim Phụng